Tại Việt Nam, khái niệm về “công ty đại chúng” xuất hiện khá trễ. Mãi đến năm 2006, khi Luật Chứng khoán được thông qua thì các nhà làm luật mới bắt đầu thiết lập cơ chế pháp lý riêng biệt để điều chỉnh hoạt động của công ty đại chúng. Vậy công ty đại chúng là gì? Cần điều kiện gì để trở thành công ty đại chúng?
Công ty đại chúng là gì?
Công ty đại chúng được hiểu là Công ty cổ phần có quy mô và độ phổ biến “đủ lớn” để đạt được tính “Đại chúng”, “đủ lớn” ở đây được hiểu trên 2 khía cạnh vốn điều lệ thực góp và số lượng cổ đông. Theo quy định của Luật ở Việt Nam thì:
- Có vốn điều lệ thực góp ít nhất là 10 tỷ đồng.
- Ít nhất 100 cổ đông, không kể các cổ đông là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp như các tổ chức bên lĩnh vực tài chính như Ngân hàng thương mại, Công ty Tài chính, Công ty Cho thuê Tài chính, Công ty Bảo hiểm, Công ty Chứng khoán và Công ty Quản lý Quỹ (Cùng các Quỹ đầu tư do các Công ty này Quản lý).
Do đó khi một Công ty cổ phần đạt đủ cả 02 điều kiện nói trên thì chính thức được xem là Công ty Đại chúng, theo quy định của Luật Chứng khoán thì trong vòng 90 ngày kể từ ngày thành Công ty Đại Chúng thì Công ty Cổ phần đó phải nộp hồ sơ để báo cáo Ủy ban Chứng khoán biết và quản lý. Như vậy các Công ty Đại chúng sẽ do Ủy ban Chứng khoán quản lý, còn các Công ty cổ phần khác còn lại chưa đạt được tính “Đại chúng” vẫn sẽ do Sở kế hoạch Đầu tư các Tỉnh, Thành phố quản lý.
Ngoài ra các quy định này có thể hiểu được rằng các nhà làm luật xác định tính đại chúng của một Công ty cổ phần dựa vào ba tiêu chí:
- Tiêu chí 1, hoạt động gọi vốn từ công chúng.
- Tiêu chí 2, sự tham gia của công chúng vào việc trao đổi, mua bán cổ phần của công ty.
- Tiêu chí 3, ngưỡng quy mô (vốn điều lệ và cổ đông) xác định ranh giới nội bộ và đại chúng của Công ty cổ phần. Mục đích chính của quy định rõ ràng hướng đến việc bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Các trường hợp trở thành công ty đại chúng khác:
- Chào bán cổ phiếu ra công chúng
- Niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán
Nguyên tắc quản trị công ty đại chúng bao gồm:
- Bảo đảm cơ cấu quản trị hợp lý; bảo đảm hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;
- Bảo đảm quyền lợi của cổ đông, những người có liên quan;
- Bảo đảm đối xử công bằng giữa các cổ đông;
- Công khai, minh bạch mọi hoạt động của công ty.
Điều kiện để trở thành công ty đại chúng
Về vốn điều lệ: Công ty đại chúng (có tên gọi khác là công ty cổ phần đại chúng) chưa niêm yết phải có vốn điều lệ từ 10 tỷ VNĐ trở lên trong khi Công ty đại chúng đã niêm yết phải có vốn điều lệ từ 80 tỷ VNĐ trở lên;
Về năng lực sản xuất kinh doanh: Năng lực sản xuất kinh doanh của Công ty đại chúng là có lãi 1 năm trước khi chào bán trong khi năng lực sản xuất kinh doanh của Công ty đại chúng niêm yết phải là có lãi 2 năm trước khi niêm yết;
Về tính đại chúng: Công ty đại chúng yêu cầu tối thiểu 100 nhà đầu tư nắm giữ không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp là các tổ chức tài chính trong khi Công ty đại chúng niêm yết yêu cầu thêm điều kiện là 100 cổ đông nắm giữ ít nhất 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết;
Về thời gian nắm giữ cổ phiếu của các thành viên trong ban lãnh đạo công ty: Công ty đại chúng không quy định tỷ lệ và thời gian nắm giữ bắt buộc của các thành viên lãnh đạo trong khi Công ty đại chúng niêm yết trên Sở giáo dục chứng khoán yêu cầu ban lãnh đạo phải nắm giữ 100% trong 6 tháng đầu tiên và 50% trong 6 tháng tiếp theo kể từ ngày niêm yết.
Hồ sơ cần thiết
- Điều lệ công ty theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Thông tin tóm tắt về mô hình tổ chức kinh doanh, bộ máy quản lý và cơ cấu cổ đông.
- Báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán độc lập.
Ưu và nhược điểm
Ưu điểm
Công ty đại chúng được xã hội biết đến do có tên tuổi xuất hiện công khai trên thị trường chứng khoán, trên báo chí. Công ty đã khẳng định được danh tiếng, uy tín thì khi cần huy động vốn ngoài xã hội, công ty dễ dàng có thể tiếp tục phát hành cổ phiếu, trái phiếu với chi phí phát hành thấp hơn lần phát hành truớc.
Công ty phải báo cáo công khai hoạt động của mình cho công chúng, nên chịu sự giám sát của công chúng, xã hội. Thêm vào đó, hội đồng quản trị và ban giám đốc phải công khai các hoạt động quản lý và điều hành công ty. Ban giám đốc phải chăm lo việc phát triển công ty cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý, cơ cấu hợp lý vốn, nếu không thì các giám đốc sẽ bị sa thải; như vậy hoạt động công ty đại chúng đã ràng buộc các giám đốc phải tuân thủ pháp luật, điều hành công ty theo đúng luật công ty.
Nhà nước bớt được gánh nặng phải trợ giúp vốn ngân sách cho công ty, và như vậy Nhà nước có thể tập trung sức lực vào nhiệm vụ trọng đại của mình là đầu tư cơ sở hạ tầng.
Nhược điểm
Khi phát hành, công ty sẽ phải chịu các chi phí đợt phát hành: chi phí thuê hãng kiểm toán độc lập để lập báo cáo kiểm toán hoạt động của công ty, chi phí thuê người bảo lãnh phát hành, chi phí chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ để xin phép phát hành, chi phí quảng cáo cho đợt phát hành.
