Thứ ba ngày 29/10/1929 có thể nói là ngày đen tối nhất đối với nền kinh tế Mỹ và những người chơi cổ phiếu. 10 giờ trưa, khi các sàn giao dịch chứng khoán ở New York vừa mở cửa, bất ngờ một loạt chứng từ bị ném mạnh đi, kéo theo đó là những tiếng thét trong sự thất vọng và đau khổ tột độ. Tất cả các cổ phiếu bỗng chốc trở thành “nắm giấy lộn” trong tay những người chơi. Không ít người đã bị “loại vũ khí đánh xa” này làm cho ngất xỉu, cả sàn giao dịch được một phen hỗn loạn. Chỉ số Dow Jones tụt xuống một cách khủng khiếp: từ mức cao nhất là 386 điểm xuống còn 298 điểm, giảm 22% so với các phiên giao dịch trước. Trong 12 năm lịch sử thị trường chứng khoán của nước Mỹ, ngày đó được gọi là “Ngày thứ ba đen tối”, hệ quả của nó là nền kinh tế Mỹ và thậm chí là của toàn thế giới bắt đầu bước vào thời kỳ cực kỳ tiêu điều kéo dài tới 10 năm.
Sau khi cơn ác mộng ập đến, tất cả mọi người đều sống trong hoang mang và oán trách. Thế nhưng không mấy người chơi cổ phiếu ở Mỹ hồi đó nhận thức được rằng, thật ra sự sụp đổ của thị trường chứng khoán lần đó đã được cảnh báo trước qua chính những dấu hiệu phát triển bất thường của nền kinh tế nước này.
Đối với Mỹ, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất thực sự là một cơ hội vàng ngàn năm hiếm, giới tài phiệt ở Mỹ đã lợi dụng chiến tranh để kiếm những món lợi kếch sù. Sau khi chiến tranh kết thúc, Mỹ từ một nước “con nợ” bỗng trở thành chủ nợ lớn số 1 thế giới, cùng với đó New York cũng thay London trở thành trung tâm tài chính của thế giới. Nền kinh tế Mỹ phát triển như vũ bão, kéo theo đó là sự xuất hiện của thị trường chứng khoán. Để thu hút được ngày càng nhiều người chơi, các công ty kinh tế và giới khoán thương đã thuê một đội ngũ marketing cổ phiếu hùng hậu. Từ các con phố lớn tại trung tâm thành phố đông đúc dân cư cho đến những con hẻm nơi thị trấn hẻo lánh, trước mỗi gia đình đều có thể thấy nhân viên marketing của công ty này, công ty nọ đến quảng cáo, phân tích ưu thế của các cổ phiếu trong tay mình, thế nhưng họ lại không hề đề cập đến sự rủi ro. Sự nhiệt tình của dân chúng đã được khuấy động đúng lúc và cứ như thế, với sự hiểu biết mù mờ và nông cạn, rất nhiều người đã tìm mọi cách có được một món tiền kha khá để vào thành phố chơi cổ phiếu. Khi ấy, hành động này được coi là “mốt thời thượng” của người dân Mỹ.
Đến năm 1928, thị trường chứng khoán của Mỹ đã gần lên đến đỉnh điểm. Trong xe điện ngầm, mọi người không ngớt chỉ trích Công ty Tàu điện ngầm không trang bị máy điện báo trong các toa tàu, khiến cho họ không có cách nào theo dõi và chơi cổ phiếu được trong suốt chuyến đi. Tại một nhà máy ở Boston, trong mỗi gian xưởng đều có treo một tấm bảng đen và chuyên có một người cứ cách một giờ lại dùng phấn trắng viết thông báo tình hình mới nhất của các sàn giao dịch. Tại một nông trường ở tiểu bang Texas, những người nuôi bò thông qua tin tức của đài phát thanh thu được với những âm thanh rè rè khó nghe cũng nắm rõ tình hình từng giờ từng phút. Bất kể anh đi làm hay đi du lịch, trên tàu điện hay taxi, tài xế và khách có thể trao đổi tình hình cổ phiếu một cách rất nhiệt tình và sôi nổi, thậm chí ngay cả một đứa trẻ đánh giày trước cửa một khách sạn cũng có thể giới thiệu cho khách những cổ phiếu nóng hổi nhất trong phiên giao dịch ngày hôm đó.
Hầu hết những người chơi cổ phiếu ở Mỹ khi đó chỉ là người “chơi non”, không phải là những nhà đầu tư dài hạn. Trong bối cảnh của phong trào đầu cơ cuồng nhiệt đó, thị trường chứng khoán New York ngày càng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Tất cả những người này chưa từng nghĩ rằng, cái bong bóng có to đến mấy cũng sẽ có ngày phải vỡ.
Độ nóng của thị trường chứng khoán khi đó đã hoàn toàn vượt xa tình hình phát triển thực tế của nền kinh tế, vượt khỏi sự kiểm soát của Bộ tài chính và Chính phủ Mỹ, hơn nữa rất nhiều người chơi lại thế chấp, hoặc cầm cố bằng những tờ cổ phiếu để tiến hành giao dịch tín dụng. Một khi lòng tin của người đầu cơ giảm xuống, điều tất yếu là phải tăng thêm nhiều tiền bảo hiểm, trong khi đó những nhà đầu cơ thiếu vốn chỉ còn mỗi cách là bán tháo đi thật nhiều cổ phiếu để bù, kết quả của nó chính là sự tụt giảm tất yếu của cổ phiếu.
Giữa tháng 9 và tháng 10/1929, lòng tin của các nhà đầu cơ bắt đầu tụt giảm, họ tiến hành bán tháo cổ phiếu của mình vào thứ năm, 24/10. Đến ngày 29/10, 65 vạn cổ phiếu của Công ty Gang thép của Mỹ đã được bán tháo với giá 179 USD mỗi cổ phiếu, nhưng cũng không tìm nổi được một người mua. Sau đó giá cổ phiếu của công ty này bắt đầu trượt dốc và như một thứ bệnh truyền nhiễm, hàng loạt công ty, công ty khác nối đuôi nhau hạ giá cổ phiếu. Sự sụp đổ đã thật sự cận kề. Những tấm cổ phiếu giá trị hôm nào nay bỗng chốc trở thành “tờ giấy lộn”, các con số đã trở nên vô nghĩa. Ông chủ Công ty Than của Mỹ nhìn bảng hiển thị đang tụt giảm đã ngã vật ra đất, chết ngay trong phòng làm việc. Vô số tỉ phú ngày nào nhờ cổ phiếu chỉ trong phút chốc đã trắng tay. Những ông trùm cự phách sau khi kết thúc chuyến du lịch trên biển quay lại mới phát hiện thấy rằng, mình đã trở thành một kẻ bần cùng không một xu dính túi.
Khi đó, “nhảy lầu” không chỉ là giá cổ phiếu, không ít người trước đó đã thế chấp nhà cửa vay vốn ngân hàng với số tiền lớn để đầu cơ vào cổ phiếu nay trở thành con nợ không có khả năng thanh toán, cách duy nhất để giải thoát chỉ có thể là… nhảy lầu. Chính tình trạng này đã làm cho hàng loạt ngân hàng lớn của Mỹ bị phá sản do không thu lại được số vốn đã cho vay, nền kinh tế của Mỹ rơi vào trạng thái tê liệt hoàn toàn, kinh tế phương Tây rơi vào cảnh tiêu điều. Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán đã giáng một đòn chí mạng vào lòng tin của các nhà đầu cơ. Phải đến tận năm 1954, thị trường chứng khoán của Mỹ mới đạt được mức kỷ lục như năm 1929, thế nhưng cơn ác mộng đen tối ngày nào vẫn luôn là nỗi ám ảnh đáng sợ đối với người dân Mỹ.

CẢNH BÁO: Đầu tư vào các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà có thể không phù hợp với một số nhà đầu tư. Do đó hãy cân nhắc kỹ lưỡng và làm chủ bản thân trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào cấu thành từ những nội dung tham khảo tại CryptoViet.com.