• About Us
  • Kinh Nghiệm Crypto
  • Crypto Trending
  • Tuyển Dụng

Crypto Việt

Cộng Đồng Crypto Việt Nam

Binance

Sổ đỏ là gì? Sổ đỏ hay sổ hồng giá trị hơn?

CryptoViet.com 17/07/2022 17/07/2022

Sổ đỏ là một trong những khái niệm phổ biến nhất trong lĩnh vực bất động sản, là một trong những giấy tờ quan trọng bậc nhất dùng để xác định quyền lợi, nghĩa vụ gắn với đất của mỗi người. Nhưng không phải ai cũng biết và hiểu đúng về nó. Việc tìm hiểu khái niệm sổ đỏ sao cho đúng thông tin để không bị hiểu sai lệch về nó cũng là một khó khăn với nhiều người. Trong bài viết này hãy cùng Bitcoin Vietnam News tìm hiểu rõ sổ đỏ là gì và hướng dẫn thủ tục làm Sổ đỏ 2020 với các quy định từ điều kiện được cấp Sổ đỏ, chuẩn bị hồ sơ, các bước thực hiện thủ tục; các khoản tiền phải nộp trước khi mua nhà cho mọi người nhé.

Nội dung bài viết ẩn
1. Sổ đỏ là gì?
2. Tại sao sổ đỏ lại quan trọng như vậy?
3. Ai là người sở hữu sổ đỏ?
3.1. Những trường hợp không được cấp sổ đỏ
4. Phân biệt giữa sổ đỏ và sổ hồng
5. Cách làm sổ đỏ
5.1. Chuẩn bị hồ sơ
5.2. Nộp hồ sơ
5.3. Nhận thông báo thuế
5.4. Nhận giấy chứng nhận
6. Thủ tục sang tên sổ đỏ
7. Cách nhận biết sổ đỏ giả và sổ đỏ thật
8. Kết luận

Sổ đỏ là gì?

Sổ đỏ chính là tên gọi khác của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Khái niệm này có sự thay đổi rõ rệt trong các quy định trong các khoảng thời gian khác nhau. Hiểu một cách đơn giản nhất, sổ đỏ chính là giấy chứng nhận cấp quyền sử dụng đất do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Chủ sở hữu sổ đỏ có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Đặc điểm hình dạng bên ngoài của giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai có màu đỏ. Vì thế, nhiều người thường gọi tắt là sổ đỏ. Các loại đất được cấp sổ đỏ bao gồm:  Đất nông nghiệp,Đất lâm nghiệp, Đất nuôi trồng thủy hải sản, Đất trồng cây lâu năm,

Nội dung liên quan về sổ đỏ được quy định tại Nghị định số 60-CP của chính phủ và thông tư số 346/1998/TT-TCDC ngày 16/3/1998 của Tổng cục địa chính.

Ngay từ khi ra đời, sổ đỏ đã được xem là một loại chứng thư vô cùng quan trọng. Nó giúp xác nhận quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan với một bất động sản nhất định. Từ đó, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp một cách hiệu quả, phù hợp theo luật pháp.

Tại sao sổ đỏ lại quan trọng như vậy?

Thực tế, không phải ai cũng nắm được những thông tin pháp luật cần thiết với đời sống của mình, nhiều người cho rằng chỉ cần có quyết định bàn giao nhà hoặc giấy tờ mua bán là đủ. Lúc đó họ sẽ có quyền sử dụng đất đai hợp pháp mà không cần làm sổ đỏ. Tuy nhiên các loại giấy tờ viết tay cũng như quyết định phân nhà không đủ để chứng minh quyền sử dụng đất. Nó không phải là căn cứ hoàn hảo trong những trường hợp tranh chấp tại tòa án.

Thông thường, khi được bàn giao nhà, người được giao có quyền sử dụng nhà đất và những tài sản gắn liền. Tuy nhiên, theo quy định, một người chỉ thực sự có quyền hành đối với tài sản đó khi có đủ 3 quyền sau: Chiếm hữu, định đoạt và sử dụng. Do đó, nếu chưa có sổ đỏ thì chủ nhà sẽ không có quyền định đoạt hợp pháp với đất và tài sản gắn liền. Và khi đó việc chuyển nhượng, sang tên hay thừa kế đất đai là bất khả thi.

Cho nên chúng ta có thể thấy sổ đỏ là giấy tờ rất quan trọng và cần thiết. Đây là quyền và nghĩa vụ vô cùng quan trọng của mỗi cá nhân, tổ chức sử dụng đất hợp pháp. Lưu ý rằng trong trường hợp bị mất trộm, thất lạc hay hỏng sổ đỏ, bạn cần liên lạc ngay với cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ xử lý.

Ai là người sở hữu sổ đỏ?

Không phải ai cũng được sở hữu sổ đỏ.Những người dưới đây có quyền sở hữu một quyển sổ đỏ – giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp:

  • Người được nhà nước bàn giao hoặc cho thuê đất. (Trừ trường hợp cá nhân hoặc tổ chức thuê đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích.
  • Người được Nhà nước cho thuê, bàn giao đất kể từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày luật mới có hiệu lực thi hành nhưng chưa được sở hữu giấy chứng nhận sử dụng đất.
  • Người đang sử dụng một mảnh đất theo đúng quy định tại điều 50 và 51 của Luật Nhà đất nhưng chưa được cấp quyền sử dụng.
  • Người được chuyển đổi, mua bán, chuyển nhượng, thừa kế, nhận tặng quyền sử dụng đất.
  • Người nhận bàn giao quyền sử dụng đất nhờ các hợp đồng thế chấp, bảo lãnh hoặc thu hồi nợ xấu.
  • Các tổ chức sử dụng đất là pháp nhân mới được hình thành bởi một hoặc nhiều bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
  • Người có quyền sử dụng đất theo quyết định của tòa án sau các vụ giải quyết tranh chấp.
  • Cá nhân, tổ chức trúng đấu giá quyền sử dụng đất, dự án có quyền sử dụng đất.
  • Người mua nhà ở gắn liền với đất và các tài sản khác.
  • Người được mua thanh lý đất, hóa giá nhà ở gắn liền với đất từ các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước.

Khi nào thì một cá nhân hoặc tổ chức được cấp sổ đỏ?

Luật đất đai 2013 đã quy định rất rõ Nhà nước chỉ cấp sổ đỏ cho những cá nhân/ tổ chức thỏa mãn các điều kiện dưới đây:

  • Có đủ giấy tờ chứng minh quyền được sử dụng đất từ trước thời điểm 15/10/1993.
  • Sở hữu giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất tạm thời do cơ quan có thẩm quyền cấp. Trường hợp có tên trong sổ địa chính hoặc sổ đăng ký ruộng đất cấp trước thời điểm 15/10/1993 cũng được chấp nhận.
  • Người sử dụng đất sở hữu giấy tờ hợp pháp về việc cho tặng, thừa kế tài sản, bàn giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất.
  • Cá nhân/ tổ chức có sở hữu giấy tờ chuyển nhượng hoặc mua bán nhà ở gắn liền với đất đã được UBND cấp xã xác nhận là sử dụng trước ngày 15/10/1993.
  • Khi cá nhân/ tổ chức có giấy tờ hóa giá nhà ở và tài sản gắn liền với đất ở.
  • Một tổ chức hoặc cá nhân có giấy tờ chứng minh Quyền sử dụng đất do các cơ quan nhà nước thuộc chế độ cũ cấp.

Những trường hợp không được cấp sổ đỏ

Có những trường hợp dưới đây sẽ không được cấp sổ đỏ theo quy định của Nhà nước bao gồm:

  • Những người được Nhà nước giao đất để quản lý.
  • Những người sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
  • Những người thuê đất của người sử dụng đất. Trừ trường hợp thuê của các nhà đầu tư xây dựng, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp và khu kinh tế.
  • Những người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ.
  • Người không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
  • Những người nhận được thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Những tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng.

Phân biệt giữa sổ đỏ và sổ hồng

Sổ đỏSổ đỏ
Ý nghĩa– Sổ đỏ là tên gọi của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất (theo Khoản 20 Điều 4 Luật Đất đai 2003)– Sổ hồng là tên gọi của Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất được cấp cho chủ sở hữu theo quy định:

– Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì cấp một giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

– Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (theo Điều 11 Luật Nhà ở 2005).

Cơ quan ban hànhDo Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hànhDo Bộ Xây dựng ban hành

Đặc biệt : khi chuyển nhượng thì

  • Sổ đỏ: cần có chữ ký của tất cả các thành viên đủ 18 tuổi trở lên có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình.
  • Sổ hồng: chỉ cần có chữ ký của người đứng tên trên sổ là được.

Cách làm sổ đỏ

Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ xin cấp sổ đỏ bao gồm những loại giấy tờ dưới đây:

  • Đơn xin cấp GCNQSDĐ.
  • Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất và quyền sở hữu những tài sản gắn liền với đất.
  • Giấy tờ chứng minh nguồn gốc của mảnh đất đó và phiếu lấy ý kiến của người dân trong khu đó.
  • Sơ đồ nhà ở hoặc các công trình được xây dựng trên đất.
  • Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu thường trú còn hiệu lực của người sử dụng đất.
  • Bản sao của các giấy tờ liên quan và giấy chứng thực người sử dụng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính gắn liền với đất.

Nộp hồ sơ

Sau khi chuẩn bị Hồ sơ bạn nộp ở Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất của địa phương. Khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ, hồ sơ sẽ được xử lý và kiểm tra. Nếu trường hợp hồ sơ có thiếu sót, bạn sẽ được yêu cầu bổ sung, sau đó được hẹn ngày thực hiện các nghĩa vụ về thuế.

Nhận thông báo thuế

Sau khi xử lý hồ sơ, cơ quan thẩm quyền sẽ gửi thông báo thuế đến người nộp hồ sơ. Lúc này, bạn cần mang giấy biên nhận đến để thực hiện nghĩa vụ tài chính cần thiết tại cơ quan thuế. Biên lai nộp tiền thuế bạn giữ lại và mang đến cho bộ phận tiếp nhận để xử lý.

Nhận giấy chứng nhận

Sau khi mọi thủ tục cần thiết hoàn thành, người sử dụng đất sẽ nhận được sổ đỏ theo phiếu hẹn. Khi đó, Văn phòng Đăng ký đất đai cũng sẽ xử lý những thắc mắc của mọi người.

Thủ tục sang tên sổ đỏ

Thủ tục sang tên sổ đỏ được áp dụng trong các trường hợp chuyển nhượng hoặc cho tặng Quyền sử dụng đất.

Thủ tục sang tên sổ đỏ khi chuyển nhượng, cho tặng bao gồm các bước sau.

Bước 1:  Đặt cọc

Bước này chỉ áp dụng trong trường hợp chuyển nhượng.

Để quá trình chuyển nhượng thuận lợi, thường thì các bên sẽ lập hợp đồng đặt cọc trước khi lập hợp đồng chuyển nhượng tại tổ chức công chứng.

Bước 2:  Lập hợp đồng và công chứng hợp đồng

Hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất là một trong những hợp đồng quan trọng bắt buộc phải công chứng. Do đó, các bên chuyển nhượng cần phải thiết lập hợp đồng chuyển nhượng và đến tổ chức công chứng thực hiện công chứng hợp đồng.

Trước khi ra công chứng bạn cần chuẩn bị những giấy tờ này: Phiếu yêu cầu công chứng, Dự thảo hợp đồng, giao dịch, Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất; Giấy tờ tùy thân như CMND/hộ chiếu/thẻ căn cước,…của hai bên; Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nếu độc thân; Giấy đăng ký kết hôn nếu bạn đã có gia đình; Sổ hộ khẩu của hai bên.

Bước 3: Kê khai và thực hiện nghĩa vụ tài chính

Tiếp theo, hai bên cần chuẩn bị một bộ hồ sơ như sau để kê khai nghĩa vụ tài chính:

  • Tờ khai lệ phí trước bạ,
  • Tờ khai thuế thu nhập cá nhân,
  • Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng;
  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất,
  • Bản sao CMND, sổ hộ khẩu của cả hai bên.

Trong đó, mức thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ phải nộp theo quy định:

  • Thuế thu nhập cá nhân phải nộp bằng 2% giá chuyển chuyển nhượng.
  • Lệ phí trước bạ với nhà đất bằng 0,5 % giá chuyển nhượng.

Bước 4: Nộp hồ sơ sang tên

Bạn đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để nộp hồ sơ

Chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ sau: Đơn đề nghị theo mẫu; Sổ hộ khẩu, CMND của bên mua; Giấy chứng nhận QSDĐ; Hợp đồng chuyển nhượng đã công chứng…

Khi nộp hồ sơ, người mua phải nộp thêm một số khoản lệ phí khác như: Lệ phí địa chính; Lệ phí thẩm định; Lệ phí cấp Sổ đỏ….

Thời gian làm việc theo quy đinh của Nhà Nước là không quá 10 ngày.

Cách nhận biết sổ đỏ giả và sổ đỏ thật

Ngày nay, lợi dụng điểm yếu của những người vẫn còn mơ hồ về sổ đỏ và kỹ thuật tinh vi của ngành in ấn dịch vụ làm sổ đỏ giả ra đời khiến nhiều người phải “tiền mất tật mang” trước mánh khóe chiêu trò của những tên lừa đảo: dùng sổ đỏ giả thay sổ đỏ thật.

Theo chia sẻ của các giám định viên – Phòng Kỹ thuật hình sự, bạn có thể dựa vào những cách dưới đây để nhận biết sổ đỏ thật và giả để tránh bị lừa khi giao dịch.

Kiểm tra bằng đèn pin

Một trong những mẹo nhận biết sổ đỏ thật và giả đó là kiểm tra bằng đèn pin. Cụ thể, bạn sẽ chiếu đèn pin một góc 10 – 20 độ vào mặt giấy, ngay đúng vị trí có hình con dấu. Vị trí này tại góc dưới bên phải của mặt trước, phần dấu nổi. Ở vị trí này sẽ có mã số hiệu đã được đóng hoặc in vào giữa dấu nổi. Nếu là sổ đỏ thật, mã số hiệu sẽ đóng trùng khớp với hình dấu nổi.

Kiểm tra sổ bằng kính lúp

Vì sổ thật được in bằng phương pháp in offset nên màu sắc thường sắc nét, màu mực rất đều màu. Ở sổ giả, các chi tiết này sẽ không sắc nét. Do đó nếu soi kỹ bạn có thể phát hiện ra nét mực có màu khác nhau.

Chú ý các điểm bị tẩy xóa cơ học

Theo các chuyên viên giám định, một số vị trí trên sổ đỏ thường rất dễ bị tẩy xóa như: số sổ, loại đất, thời hạn, diện tích, hình thức sử dụng. Bạn nên chú ý kĩ những điểm này khi xem sổ.

Đặc biệt, đối với các sổ có trang bổ sung cần kiểm tra phương pháp in của phôi trang bổ sung, dấu giáp lai của trang phụ lục, các vị trí của trang bổ sung có bị tẩy xóa hay không.

Đối với sổ đã thế chấp nhiều lần cần kiểm tra kỹ dấu, chữ ký của Văn phòng đăng ký nhà đất.

Kiểm tra tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện

Khi đã dùng hết các thủ thuật phát hiện sổ giả theo cách thủ công mà vẫn chưa an tâm, Bạn có thể mang sổ đến văn phòng đăng kí quyền sử dụng đất cấp huyện để kiểm tra. Tại đây, các chuyên viên thẩm định sẽ kiểm tra cho bạn và thông báo khi phát hiện sổ giả.

Kết luận

Trên đây là những phân tích để giải đáp thắc mắc sổ đỏ là gì cũng như những thủ tục cần để đăng ký sổ đỏ. Cùng với đó là các thông tin liên quan về luật đất đai mà chúng tôi đã chia sẻ. Chúc các bạn nắm vũng thông tin về thủ tục khi đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Chia sẻ
icon f icon t icon tl

Binance
CẢNH BÁO: Đầu tư vào các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà có thể không phù hợp với một số nhà đầu tư. Do đó hãy cân nhắc kỹ lưỡng và làm chủ bản thân trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào cấu thành từ những nội dung tham khảo tại CryptoViet.com.

Bài viết liên quan

Căn hộ Studio là gì?
Căn hộ Studio là gì?
TimeShare là gì? Những kiến thức cần biết về hình thức TimeShare
TimeShare là gì? Những kiến thức cần biết về hình thức TimeShare
Nhà cấp 4 là gì? Các mẫu nhà cấp 4 phổ biến
Nhà cấp 4 là gì? Các mẫu nhà cấp 4 phổ biến
Đất dự án là gì? Những lưu ý khi mua đất dự án
Đất dự án là gì? Những lưu ý khi mua đất dự án
Đặc khu kinh tế là gì? Những vùng kinh tế tự do ở Việt Nam
Đặc khu kinh tế là gì? Những vùng kinh tế tự do ở Việt Nam
Thóp hậu là gì? Có nên mua nhà thóp hậu không?
Thóp hậu là gì? Có nên mua nhà thóp hậu không?

Sidebar chính

THEO DÕI CHÚNG TÔI

  • Email
  • Facebook
  • Pinterest
  • YouTube

Group Facebook

Crypto Việt © 2016-2022
DMCA.com Protection Status