Evergrande đang làm náo động thị trường tài chính thế giới vì ai cũng lo sợ nếu tập đoàn bất động sản này vỡ nợ sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng, như đã từng xảy ra với ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008.
Evergrande là gì?
Evergrande Real Estate Group – hay Hengda Group (Hằng Đại) là tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 tại Trung Quốc, với tuyên bố đang sở hữu hơn 1.300 dự án tại hơn 280 thành phố trên khắp Trung Quốc.
Nhà sáng lập Evergrande là tỷ phú Hứa Gia Ấn, từng là người giàu nhất Trung Quốc. Tính đến tháng 9/2021, tổng tài sản ròng của ông Hứa là 10,7 tỉ USD (243.542 tỉ đồng).
Thành lập năm 1996, Evergrande đã phát triển không ngừng để có mặt trên sàn chứng khoán Hồng Kông vào năm 2009. Sau khi phát triển nhanh chóng trong mảng địa ốc, Evergrande đã đa dạng hóa đầu tư vào các lĩnh vực khác, như: sản xuất xe điện, thể thao và công viên giải trí. Evergrande còn đầu tư vào mảng thực phẩm, nước giải khát, nước đóng chai, sản phẩm đường sữa và những loại hình hàng hóa khác…Và hiện tại Evergrande đang là một tập đoàn quan trọng hàng đầu của Trung Quốc. Thậm chí Evergrande còn mơ ước sẽ xây dựng một công viên giải trí lớn hơn cả Disney hiện nay.
Evergrande lún sâu vì nợ
Những năm gần đây, Evergrande dần lún sâu vào nợ nần vì liên tục vay mượn để chi trả và bù đắp cho tham vọng đầu tư ở nhiều lĩnh vực. Vào tháng 09/2021, Evergrande đối mặt hai khoản đáo hạn nợ. Đầu tiên là khoản thanh toán lãi các trái phiếu có giá trị 83 triệu USD vào ngày 23/09 và khoản thứ hai vào ngày 29/09 trị giá 47,5 triệu USD. Sự việc trở nên cao trào khi Evergrande chính thức thừa nhận có thể không thực hiện việc chi trả lãi đúng hạn, gây sốc cho các nhà đầu tư, ước tính số nợ vượt ngưỡng 300 tỉ USD (tương đương 2% GDP Trung Quốc).
Vì sao Evergrande vỡ nợ?
Việc Evergrande tích lũy khoản nợ không lồ hơn 300 tỷ USD đến từ 02 nguyên nhân chính như sau:
- Evergrande vay mượn quá đà để làm các dự án bất động sản.
- Vay vốn vào các hoạt động đầu tư đa ngành thiếu tập trung.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thị trường bất động sản tại Trung Quốc đã bị chậm lại, nhu cầu chưa thể phục hồi ngay khiến các khoản thu của tập đoàn Evergrande cũng chậm theo. Từ đó, công ty mất dần khả năng trả các khoản nợ đến hạn. Trong khi đó, chính quyền đất nước tỷ dân yêu cầu các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, nhằm gia tăng trách nhiệm với các công ty đang có nợ vay.
Đây chính là một cú đánh vào cách thức kinh doanh của Evergrande với hàng loạt các dự án khắp Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện, việc không thể tiếp tục vay đã gây ra một thảm họa lớn. Nhận diện được tình hình tài chính khó khăn, nhiều nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu trong suốt một năm qua.
Hậu quả nếu Evergrande vỡ nợ
Nếu Evergrande vỡ nợ sẽ tạo rắc rối lớn đối với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc và có thể là dấu hiệu đầu tiên của làn sóng phá sản.
Cuộc khủng hoảng tiền mặt tại Evergrande trùng với sự suy thoái chung của thị trường bất động sản Trung Quốc, trầm trọng hơn do lãi suất thế chấp cao hơn và các quy định khắt khe hơn đối với người vay. Các nhà quản lý đã và đang siết chặt thị trường bất động sản, với các quy tắc được đưa ra vào năm 2020 để hạn chế việc vay nợ trong lĩnh vực bất động sản.
Nếu Evergrande không thể trả nợ, những người cho vay của công ty – bao gồm một số ngân hàng lớn nhất Trung Quốc – sẽ phải chịu áp lực. Điều đó có thể gây khó khăn cho các công ty cần vay tiền từ ngân hàng và thị trường trái phiếu trong việc tiếp cận vốn.
Nếu điều này xảy ra, nó sẽ đánh dấu sự hình thành của một cuộc khủng hoảng tài chính ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và có thể gây ra bất ổn trên phạm vi quốc tế.
Sự đổ vỡ có thể khiến các quân cờ domino tài chính rơi vào thị trường bất động sản rộng lớn của Trung Quốc – cũng giống như sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers vào năm 2008 đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng từng “hạ gục” thị trường nhà đất Mỹ và nhấn chìm nền kinh tế số 1 thế giới vào suy thoái.
Sau cùng điều quan tâm của cả thế giới hiện nay đó là liệu Trung Quốc sẽ can thiệp như thế nào để giải cứu được tập đoàn này?

CẢNH BÁO: Đầu tư vào các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà có thể không phù hợp với một số nhà đầu tư. Do đó hãy cân nhắc kỹ lưỡng và làm chủ bản thân trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào cấu thành từ những nội dung tham khảo tại CryptoViet.com.