
Blockchain đang trở thành một xu hướng công nghệ mới và được dự báo sẽ định nghĩa lại cách con người tương tác và trao đổi. Theo Vitalik Buterin, blockchain là một phát minh vĩ đại nhất kể từ thời điểm Internet ra đời. Cho đến nay blockchain đã được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, giáo dục, kinh tế, y tế, game, thương mại điện tử,.. và thậm chí là nông nghiệp, rất nhiều nước đã ứng dụng thành công công nghệ chuỗi khối này trong các hoạt động chính phủ điện tử và hành chính công. Vậy Blockchain là gì? nó hoạt động thế nào? và nó được ứng dụng ra sao? Liệu tiềm năng của blockchain có thực sự vĩ đại để có thể tạo ra một cuộc cách mạng thay đổi toàn bộ thế giới trong tương lai và là lời giải vạn năng cho mọi vấn đề của con người hay không? Hãy cũng Bitcoin Vietnam News xem xét các vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Blockchain là gì?
Để hiểu được tiềm năng của blockchain đầu tiên chúng ta xem xét blockchain là gì?
Trên thực tế có rất nhiều cách hiểu và định nghĩa blockchain khác nhau. Chúng ta có thể sẽ rất quen thuộc với các thuật ngữ chuỗi khối (chain of blocks) hay sổ cái phân tán (distributed ledger) và đánh đồng hai khái niệm này với blockchain.
Xét theo nghĩa hẹp:
Blockchain (chuỗi khối) là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, vì vậy cơ sở dữ liệu này được gọi là chuỗi khối. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: Một khi dữ liệu đã được ghi thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.
— Wikipedia —
Theo cách hiểu này blockchain được hiểu là một cách thức để lưu trữ dữ liệu nhằm đảm bảo tính toàn vẹn và không thể bị sửa đổi. Đây là cách định nghĩa phổ biến nhất về blockchain hiện nay. Nghe đến đây chắc hắn nhiều người đã bắt đầu hoài nghi và tương đối thất vọng, bởi với hướng tiếp cận định nghĩa này rõ ràng blockchain không “vĩ đại” như những gì ta được nghe đến và mô tả. Chúng ta có rất nhiều cách lưu trữ dữ liệu khác nhau, từ cơ sở dữ liệu quan hệ đến phi quan hệ, và hoàn toàn có thể áp dụng việc mã hóa và phân quyền cơ sở dữ liệu để đảm bảo tính toàn vẹn và không bị sửa đổi.
Vậy điều gì làm lên tính “vĩ đại” của blockchain?
Bằng cách cho phép các thông tin số được lưu trữ phân tán không cần trung tâm dữ liệu tập trung, công nghệ blockchain đã tạo ra một hệ thống xương sống mới cho Internet. Công nghệ blockchain đã chuyển đổi tư tưởng tập trung hóa quyền lực sở hữu dữ liệu của các tổ chức lớn sang môi trường phi tập trung cân bằng hơn, nơi mọi người đều có quyền sở hữu và chia sẻ dữ liệu. Chính sự phi tập trung hóa trong lưu trữ và yêu cầu sự đồng thuận giữa các thành viên tham gia sở hữu dữ liệu là nền tảng tạo nên giá trị của công nghệ blockchain.
Do đó, blockchain không đơn thuần chỉ là “chuỗi khối” hay “sổ cái phân tán” mà hiểu rộng ra là một hệ tư tưởng và là cả một nền tảng công nghệ, là sự kết hợp của nhiều nền tảng công nghệ khác nhau. Ở đây, chúng ta đưa ra một định nghĩa đầy đủ hơn về blockchain:
Công nghệ blockchain là công nghệ lưu trữ và phân phối dữ liệu phân cấp phi tập trung trong đó dữ liệu được lưu thành các khối được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó và trạng thái của các khối được đồng bộ dựa trên sự đồng thuận của các thành viên tham gia.
Tại sao blockchain lại là một công nghệ cách mạng?
Như vậy chúng ta đã biết blockchain là một công nghệ lưu trữ và phân phối dữ liệu phân cấp, phi tập trung liên kết với nhau và mở rộng theo thơi gian, đồng thuận dựa trên các thành viên tham gia. Nhưng điều này tại sao lại có ý nghĩa, chúng ta xem xét câu chuyện sau:
Ngày xửa ngày xưa, ở một làng nọ có một anh nông dân sống trong một túp lều nhỏ. Hàng ngày anh nông dân cố gắng làm việc từ sáng sớm đến tối mịt để giành dụm một khoản tiền để mua thêm trâu để làm việc đỡ vất vả hơn.
Một ngày nọ, sau một ngày làm việc vất vả, anh quay về nhà và xem lại hũ tiền tiết kiệm của mình, nhưng không thấy nó đâu nữa.
“Trời ơi, tiền tích góp cả năm nay của ta đâu rồi?” “Thôi, bị trộm mất rồi… Thế là hết, công sức lao động cả năm coi như đi toi rồi!!” – anh nông dân than trách. Bên cạnh có người hàng xóm nghe tiếng bèn nói rằng: “Anh nông dân ơi, sao anh không mang tiền đến gửi lấy lãi ở nhà phú hộ đầu làng? Vừa an toàn lại vừa được có lãi.”.
Anh nông dân nghe vậy bèn đồng ý. Tháng sau, anh đến nhà phú hộ để gửi số tiền kiếm được của mình.
“Phú hộ ơi, tôi muốn gửi số tiền này lấy lãi để mua trâu, ông giữ cho tôi nhé”.
“Được thôi” – phú hộ trả lời.
Cứ thế này qua ngày, số tiền anh nông dân tích cóp được ngày một nhiều. Anh mẩm tính:”Chà, nốt tháng này là đủ tiền mua con trâu rồi!”. Tính vậy, anh bèn đến rút tiền ở nhà phú hộ.
“Phú hộ ơi, tôi muốn rút số tiền của tôi, tổng cộng là 10 lượng vàng” – anh nông dân nói.
“Ồ, để tôi xem nào…. Đâu có, của anh mới có 5 lượng thôi.” – Phú hộ trả lời.
“Tại sao lại như thế được, rõ ràng tôi đã gửi ông 10 lượng mà!”, anh nông dân nói
“Anh xem đi, tôi ghi sổ là 5 đồng mà, anh định đến lừa tôi đấy à” – phú hộ vặc lại.
Anh nông dân giận quá bèn thưa lên quan phán xử. Nhưng với bằng chứng rõ ràng mà tên phú hộ đưa ra, rõ ràng cuốn sổ của tên phú hộ chỉ xác nhận đúng số tiền anh nông dân gửi là 5 đồng qua các lần. Anh nông dân không hề có bằng chứng nào chỉ ra được tên phú hộ đã gian lận. Anh nông dân đành ngậm ngùi lấy số tiền 5 lượng vàng của mình lại.
Nhưng lần này rắc rối hơn, anh ta không thể giữ tiền ở nhà được có hàng tá kẻ rình mò để ăn cắp số tiền, còn gửi tiền nhà phú hộ thì bị bớt xén, một vố đau. Anh nông dân không biết làm gì cả. Lúc này hàng xóm biết được bèn mách: “Này anh, sao anh không gửi số tiền sang nhà phú ông, sau mỗi lần gửi thì anh bắt ông ta và anh cùng ký vào sổ để xác nhận là được rồi.”
“Uh, nhỉ, thế mà tôi không nghĩ ra” – anh nông dân thốt lên.
Nói liền làm, anh nông dân mang số tiền đến nhà phú ông và làm như người hàng xóm nói. Các ký kết diễn ra rất đầy đủ. Anh nông dân yên tâm lắm. Ngày qua ngày, một năm trôi qua, anh nông dân lại mẩm tính số tiền gửi của mình đã đủ 10 lượng vàng, anh bèn đến nhà phú ông để lấy lại số tiền.
“Anh xem đi, tôi ghi sổ là 8 đồng mà, còn có cả xác nhận của anh đây, anh định mang đến lừa tôi đấy à” – phú hộ nói.
Anh nông dân giận quá bèn thưa lên quan phán xử. Nhưng với bằng chứng rõ ràng mà tên phú hộ đưa ra, rõ ràng cuốn sổ có chữ ký của anh nông dân và xác nhận đúng số tiền là 8 đồng qua các lần gửi. Thì ra, sau khi nhận tiền, tên phú hộ đã sử dụng bút để sửa một cách khéo léo nội dung của cuốn sổ ghi, do đó anh nông dân không làm được gì hắn ta. Giấy trắng mực đen rõ ràng mà. Anh nông dân lại ngậm ngùi mang về 8 đồng. Anh buồn lắm, đến phú ông cũng lừa đảo số tiền ít ỏi của anh thì tin ai được chứ.
Đúng lúc này có một thầy đồ già đi qua biết chuyện bèn nói: “Anh ơi, tham lam là bản tính của con người mà, anh không thể đặt niềm tin vào sự tham lam của con người được. Sao anh không gửi số tiền sang nhà phú ông làng bên, sau mỗi lần ký thì anh hãy bắt ông ta khóa cuốn sổ vào một chiếc hộp trước mặt anh rồi đưa lại chìa khóa duy nhất cho anh. Vậy chẳng phải ông ta sẽ không sửa được ư?”.
“Ừ nhỉ, có thế mà mình không nghĩ ra” – anh nông dân thốt lên.
Nói liền làm, anh ta thực hiện ngay cách mà hàng xóm dạy. Mọi chuyện có vẻ rất ổn. Không hề có vấn đề gì xảy ra cả. Cho đến 1 năm sau, anh nông dân lại nhẩm tính số tiền mình có đã đủ 10 đồng, anh ta đến nhà phú ông để yêu cầu lấy số tiền.
Sau khi, mở hết các hộp và tính lại số tiền, phú ông nói “Này anh, tổng số tiền mà anh gửi ở nhà tôi là: 8 đồng”.
Anh nông dân kinh ngạc bật thốt lên: “Không thể nào, rõ ràng là 10 đồng mà!”.
Hai người lại kéo nhau lên quan. Và lần này cũng vẫn là anh nông dân thua, lần này phú ông đã hủy đi một số chiếc hộp mà anh nông dân không biết. Lại quay về với số tiền 8 đồng. Anh nông dân ngồi khóc bên đường. Một nhà buôn đi qua gặp anh biết chuyện bèn bảo: “Sao anh không xích các hộp lại với nhau?”. Anh nông dân nghe có lí bèn tiếp tục tìm một chỗ gửi tiền và làm như nhà buôn nói. Mọi chuyện diễn ra rất ổn cho đến một ngày, nhà phú ông bị cháy làm hủy đi toàn bộ các hộp đựng. Lần này anh nông dân tuyệt vọng thực sự. Chẳng nhẽ không có cách nào để giữ tiền hay sao?
Biết được có một nhà thông thái ở sau quả núi bên làng, anh bèn trèo đèo lội xuống sang để xin ý kiến của ngài.
Nhà thông thái nói:” Ồ, chuyện của anh ta đã biết, sao anh không tự giữ một bản có xác nhận của phú hộ, vậy chẳng phải tốt rồi sao?”
Câu chuyện rất đơn giản phải không ạ. Giải pháp đơn giản nhất cho việc chống gian lận là mỗi đối tượng liên quan đều nắm giữ quyền sở hữu dữ liệu và dữ liệu này không sửa đổi được. Đó là tư tưởng của công nghệ blockchain. Blockchain do đó đảm bảo các bài toán về niềm tin, nơi mọi người tham gia cùng sở hữu và có quyền quyết định lên các trạng thái của dữ liệu.
Dữ liệu giờ đây thay vì tập trung trong tay một đơn vị quyền lực thì được chia sẻ phi tập trung với tất cả những người có lợi ích chung dựa trên nó. Mọi người đều có thể dùng dữ liệu này để kiểm chứng và đưa ra quyết định một cách minh bạch. Dữ liệu không cần được lưu trữ trung tâm tại một thành viên chủ chốt có quyền lực mà được phi tập trung hóa cho toàn bộ các thành viên.
Nghe có vẻ trừu tượng, tuy nhiên đây là vấn đề rất phổ biến trong các bài toán tài chính, thương mại điện tử, thậm chí trong bất cứ giao dịch gì của con người. Để hiểu rõ hơn lợi ích của công nghệ blockchain chúng ta nhắc lại một chút về lịch sử của giao thương.
Về mặt bản chất, các giao dịch được thực hiện một cách tự nhiên giữa 2 chủ thể mà không cần bất cứ một trung gian nào. Tổ tiên chúng ta từ khi biết sử dụng các công cụ trao đổi đã thực hiện các hình thức này, đơn sơ nhất là các hình thức hàng đổi hàng (tôi đổi quả chuối để lấy con cá của anh) và tiến triển lên thành tiền đổi hàng (dùng một vật định giá chung để đổi hàng – dùng vàng để mua cá chẳng hạn). Tất cả đều diễn ra rất công khai và minh bạch, thuận mua vừa bán cho cả đôi bên và không hề cần sự can thiệp của một bên thứ ba.
Tuy nhiên, lịch sử giao thương đặt ra những bài toán phức tạp hơn, khi người mua và người bán không thể trực tiếp gặp mặt nhau và tất nhiên không thể trực tiếp trao đổi (do khoảng cách quá xa chẳng hạn) đã dẫn đến sự xuất hiện của một chủ thể thứ ba là những người trung gian trong giao dịch. Những người trung gian này đóng chức năng tạo niềm tin giữa bên mua và bên bán, hoặc xa hơn là tự tạo ra các giao dịch (thông qua hoạt động buôn bán). Bên thứ ba ban đầu là các nhà buôn, họ mua đồ của nông dân rồi vận chuyển và bán lại cho những người cần chúng. Với các giao dịch quy mô nhỏ, mọi chuyện diễn ra khá êm đẹp, tuy nhiên với các giao dịch quy mô lớn nảy sinh ra rất nhiều vấn đề. Với khối lượng tiền (vàng) treo đổi quá lớn dẫn đến nguy cơ bị cướp hoặc gặp thiên tai gây mất mát trong quá trình vận chuyển và cũng dẫn đến chi phí vận chuyển rất cao. Từ thực tế này phát sinh ra một chủ thể được gọi là ngân hàng. Các ngân hàng sẽ cung cấp các giải pháp bảo chứng và đổi tiền (vàng) cho các bên tham gia giao dịch và đóng chức năng tạo niềm tin vào sự tồn tại của giá trị giữa bên mua và bên bán, và xa hơn là “giấy hóa” vàng như một bằng chứng trao đổi ngang giá. Nghĩa là ngân hàng có thể ghi lên một tờ giấy rằng “Anh A có 10 đồng vàng” và đảm bảo cho sự xuất hiện 10 đồng vàng đó khi có người nhận tờ giấy và muốn đổi nó ra 10 đồng vàng thật.
Tuy nhiên, tất nhiên không ai muốn phải duy trì chi phí an toàn để giữ số vàng thật (ngoài ngân hàng) cả. Do đó, tiền giấy đã trở thành những giá trị thật được sử dụng tương đương như vàng. Còn giờ đây, vàng lại trở thành những công cụ trang trí. Tuy nhiên, xét về mặt bản chất tiền giấy không có giá trị sử dụng mà chỉ là một bằng chứng niềm tin cho người dùng. Đặc biệt từ khi khối lượng giao dịch quá lớn đến nỗi số lượng vàng trên thế giới không đáp ứng đủ cho việc neo giá thì tiền không chỉ đơn giản là vật giữ giá trị niềm tin cho vàng mà đã trở thành những công cụ thanh toán “có giá trị” mới. Cho đến khi Internet và thương mại điện tử ra đời…
Với sự xuất hiện của Internet và máy tính điện tử, tiền giấy đã được tìm cách “số hóa” để tạo thành “tiền số” có trong tài khoản ngân hàng điện tử của người dùng, và người dùng giờ đây không phải đưa những tờ giấy vật lý trực tiếp, hoặc xách cả một vali tiền cực lớn đi mua hàng mà ngân hàng sẽ đóng các vai trò xác nhận và tạo niềm tin về sự xuất hiện của tiền bằng các đơn vị số hóa trong tài khoản. Tất cả những gì người dùng cần làm là sở hữu một tài khoản và ngân hàng sẽ lo việc bảo chứng và lưu trữ cũng như thực hiện các giao dịch.
Tuy nhiên vấn đề xảy ra ở đây cũng giống như vấn đề trong câu truyện người nông dân và phú hộ, thậm chí phức tạp hơn, khi người dùng phải tạo các giao dịch (và có thể bị hacker tạo) để sử dụng tiền liên tục. Khi đó nguy cơ bị mất quyền kiểm soát tiền số trở lên cực kỳ lớn thậm chí do chính nhân viên trong ngân hàng chiếm đoạt. Chưa kể nếu ngân hàng sụp đổ toàn bộ số tiền có thể bị bay mất như khi đám cháy xảy ra ở nhà phú ông nếu không có sự bảo hiểm của các tổ chức như Chính phủ, hay đơn vị bảo hiểm tiền gửi.
Vấn đề này được giải quyết với blockchain. Và blockchain không chỉ dừng lại ở đó.
Như chúng ta đã biết, kỷ nguyên cách mạng công nghệ 4.0 là kỷ nguyên của dữ liệu, ai là người nắm giữ thông tin, nắm giữ dữ liệu sẽ là người có quyền lực. Facebook, Google thậm chí còn có quyền lực lớn hơn bất cứ chính trị gia nào trên thế giới. Chỉ cần một sự điều hướng thông tin nhỏ của các hãng này, lập tức phản ứng xã hội sẽ đảo chiều. Điều này đã được ghi nhận trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây nhất. Tuy nhiên đây là sự bất công, khi dữ liệu do người dùng đóng góp vào những lại chỉ có một hãng được sử dụng và khai thác. Blockchain sẽ phá vỡ thế độc quyền này. Blockchain là công nghệ cách mạng, nó không đơn thuần là một công nghệ mà là một hệ tư tưởng giải phóng. Blockchain mang con người xích lại gần nhau, chuyển đổi mô hình tập trung sang mang mô hình phi tập trung. Hay theo ngôn ngữ triết học chính trị thì nó phá bỏ sự tập trung quyền lực và trao quyền giải phóng cho toàn bộ cộng đồng. Không ai có độc quyền khai thác dữ liệu mà quyền đó sẽ được trao cho mọi người quyết định. Chế độ độc tài sẽ bị phá bỏ để nhường chỗ cho các cơ chế dân chủ phi tập trung. Các luật lệ sẽ không còn do một số ít người kiểm soát mà sẽ được bỏ phiếu thông qua bởi cộng đồng. Blockchain đang biến mọi thứ trở lên dân chủ và công khai hơn, minh bạch hơn.
Vậy blockchain có thực sự là bài toán vạn năng cho mọi vấn đề hay không?
CẢNH BÁO: Đầu tư vào các sản phẩm tài chính tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà có thể không phù hợp với một số nhà đầu tư. Do đó hãy cân nhắc kỹ lưỡng và làm chủ bản thân trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào cấu thành từ những nội dung tham khảo tại website này. Đồng thời bạn có thể THAM GIA NHÓM THẢO LUẬN của chúng tôi để thảo luận thêm về những gì bạn đang quan tâm.
![]() | ![]() |