Nhiều nhà đầu tư biết đến lợi ích của việc sở hữu vàng, nhưng rất ít người biết đến đầu tư vào bạch kim, một kim loại quý hơn vàng gấp nhiều lần. Bạch kim thường được biết đến như lựa chọn hàng đầu cho chế tác đồ trang sức cao cấp, nhưng nó cũng có thể là một tài sản đầu tư tiềm năng với rất nhiều ứng dụng công nghiệp.
Bạch kim là gì?
Bạch kim là một nguyên tố kim loại đơn chất có ký hiệu hoá học là Pt (Platinum). Nó có màu trắng, độ nóng chảy 1.768 độ C và khối lượng riêng 21,45g/cm khối. Bạch kim được coi là một trong những kim loại quý hiếm nhất trên thế giới, có giá trị cao hơn vàng. Trữ lượng của bạch kim rất ít, tìm thấy trong các mỏ có chứa các nguyên tố nhóm bạch kim (PGM). Nam Phi là nước có trữ lượng bạch kim nhiều nhất, cung cấp hơn 75% sản lượng bạch kim toàn cầu hàng năm.
Bạch kim được sử dụng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh như ngành công nghiệp ô tô với việc sử dụng cho các bộ chuyển đổi xúc tác. Trong khi đó, các nhà giao dịch xem bạch kim như một tài sản tài chính và lưu trữ giá trị. Bạch kim cũng được người mua trang sức yêu thích vì vẻ ngoài sáng bóng đẹp mắt và khả năng chống xỉn màu. Các nhà nhập khẩu bạch kim hàng đầu là Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Đức và Nhật Bản.
Công dụng của bạch kim
Các công dụng chính của bạch kim gồm:
- Trong ngành ô tô: Khoảng 40% tổng nhu cầu bạch kim được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô, để kiểm soát khí thải độc hại trong các bộ chuyển đổi xúc tác.
- Trang sức: Hơn 30% tổng nhu cầu bạch kim trên toàn thế giới được sử dụng trong chế tác trang sức. Vẻ ngoài sáng bóng, giá trị cao và khả năng chống xỉn màu là những đặc điểm giúp bạch kim trở thành lựa chọn hàng đầu cho các sản phẩm như nhẫn, dây chuyền và vòng đeo tay.
- Công nghiệp: Khoảng 25% tổng nhu cầu bạch kim được sử dụng trong các ngành công nghiệp, bao gồm cảm biến oxy, động cơ tuabin và thiết bị nha khoa.
- Đầu tư: Khoảng 5% tổng nhu cầu bạch kim hàng năm được sử dụng cho mục đích đầu tư, vì bạch kim là một kim loại quý với nhiều công dụng trong các ngành công nghiệp.
Bạch kim có phải vàng trắng không?
“Bạch kim” là từ Hán Việt, có nghĩa là “vàng trắng” (bạch là trắng, kim là vàng). Về ngữ nghĩa không sai, nhưng về hàng nữ trang đây là một nhầm lẫn nghiêm trọng. Vì cơ bản, bạch kim và vàng trắng là hai chất liệu khác nhau.
Vàng trắng (white gold) là một hợp kim gồm vàng 24K, bạc, pladium (hoặc nikel) và một số kim loại khác, được pha trộn theo nhiều công thức.
Vì bạch kim quá hiếm và đắt nên người ta thường sử dụng các kim loại có màu trắng như Paladium hoặc Nikel khi trộn với các kim loại khác chẳng hạn như vàng, để tạo ra một hợp kim có màu vàng nhạt gần như trắng. Tuy nhiên nếu muốn màu trắng hơn thì phải xi mạ thêm một kim loại khác trong nhóm bạch kim là Rhodium để có được màu trắng sáng đẹp tương đương với bạch kim nhưng giá thành thấp hơn.
Nữ trang bằng bạch kim sau một thời gian sử dụng sẽ bị màu ố và cần đánh bóng để trắng sáng trở lại. Trong khi đó nữ trang vàng trắng sau khi đánh bóng có thể mất lớp xi mạ và cần xi mạ lại. Nữ trang vàng trắng hiện nay có giá cao hơn vàng 18K vì các kim loại dùng để pha trộn như Pd có giá cao. Nhà sản xuất thường đánh dấu bằng chữ cái “P” hoặc “Pt” cho nữ trang bạch kim và “WG” cho nữ trang vàng trắng.
Ngoài ra còn có các loại vàng khác như Green Gold (vàng xanh), Yellow Gold (vàng vàng) và Red Gold (vàng đỏ)… Các doanh nghiệp uy tín sẽ giải thích rõ ràng cho khách hàng khi họ mua nữ trang.
Các yếu tố ảnh hưởng đến giá bạch kim
Các yếu tố tăng giá bạch kim:
- Kinh tế Nam Phi: 95% tổng lượng bạch kim trên thế giới nằm tại Nam Phi làm cho nước này trở thành nhà sản xuất bạch kim chính với 75% nguồn cung bạch kim toàn cầu. Bất ổn chính trị hoặc đình công tại Nam Phi có thể làm giảm năng suất sản xuất và giảm nguồn cung dẫn đến tăng giá bạch kim.
- Sức khỏe ngành công nghiệp ô tô: 40% nhu cầu bạch kim thế giới dùng để sản xuất các bộ chuyển đổi xúc tác trong ô tô. Do đó khi ngành công nghiệp ô tô hoạt động tốt thì giá bạch kim sẽ tăng cao.
- Nhu cầu đầu tư: Mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nhu cầu hàng năm nhưng sự suy yếu của đồng USD và tăng giá vàng có thể khiến nhà đầu tư quan tâm đến bạch kim hơn dẫn đến tăng giá kim loại quý này.
Còn các yếu tố làm Bạch kim giảm giá là:
- Phát triển công nghệ chuyển đổi xúc tác thay thế: Do giá bạch kim cao, các nhà sản xuất ô tô đang tìm kiếm các công nghệ thay thế. Phát triển của các công nghệ này có thể giảm nhu cầu về bạch kim và khiến giá giảm.
- Sự phát triển của xe điện: Sự phổ biến của xe điện tăng lên và nhu cầu về xe điện có thể làm giảm nhu cầu về ô tô truyền thống và bạch kim. Điều này có thể khiến giá bạch kim giảm.
Trả lời